Trang Chủ Cộng đồng sống Cuộc đua F1 Eports Cộng đồng giải trí trò chơi gia đình hơn

150 năm đổi thay của cảng Hải Phòng

2024-07-07 HaiPress

Thời phong kiến,Hải Phòng chỉ là bãi lầy với vài làng chài nhỏ thuộc tỉnh Hải Dương. Khu vực xây dựng cảng nằm ven sông Cấm,rộng khoảng 500 m,cách cửa biển hơn 10 km,ngập trong bùn,phù sa bồi lắng.

Quan chức và chuyên gia hàng hải của Pháp đánh giá nơi đây có thể đặt quân cảng để kiểm soát đồng bằng Bắc Kỳ qua hệ thống sông ngòi,kênh rạch và mở ra con đường thủy lên vùng Vân Nam nhiều tiềm năng kinh tế của Trung Quốc.

Ý đồ này được triển khai từ năm 1874,khi nhà Nguyễn ký hiệp ước nhượng 5 mẫu đất cho Pháp đặt sở thuế quan và tòa lãnh sự ở Hải Phòng.

Xây dựng cảng từ vùng bùn lầy

Theo tư liệu lịch sử,để xây bến cảng,người Pháp đầu tiên xây cầu tàu dài 250 m cùng 6 nhà kho lớn nên người dân vẫn gọi là bến Sáu Kho. Đến năm 1902,cầu tàu được mở rộng lên 750 m với 40.000 m2 kho và 15.000 m2 bãi lộ thiên.

Những năm đầu thế kỷ 20,cảng tương đối hoàn chỉnh với 280 m cầu nổi và 600 m cầu sắt,hệ thống cẩu trục quy mô. Đường sắt vào tận bến cảng để tiếp nhận hàng hóa. Cho tới nay,Hải Phòng là cảng duy nhất có đường sắt tiếp cận bến tàu. Khả năng bốc dỡ hàng hóa tăng từ 8.000 lên 50.000 tấn/tháng vào năm 1939.

Cảng Hải Phòng năm 1888 sau khi Pháp xây 6 kho hàng và 3 cầu dẫn. Ảnh tư liệu

Các mặt hàng chính xuất khẩu qua cảng là gạo,than,xi măng,nông sản,gỗ quý từ Lào,gia cầm của các tỉnh đồng bằng. Đa số hàng hóa từ Hải Phòng đi Hong Kong. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc,xe cộ,rượu,xà phòng,bột mì và linh kiện đường sắt.

Sự ra đời của cảng thu hút lao động và người dân từ vùng khác đến làm ăn,sinh sống. Hải Phòng dần trở thành đô thị lớn thứ hai sau Hà Nội,dân số năm 1902 là 25.000,tăng 4 lần vào 1935. Đại đa số là công nhân,người lao động.

70 năm dưới thời Pháp thuộc,cảng Hải Phòng đã phát triển trở thành thương cảng lớn của miền Bắc. Đây cũng là cái nôi của phong trào cách mạng,đầu mối giao thông liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với thế giới.

Cảng duy nhất tiếp nhận viện trợ

Ngày 13/5/1955,thành phố được giải phóng,cảng Hải Phòng được Bộ Giao thông Công chính tiếp quản trong bối cảnh kho hàng trống,cầu kè hư hỏng,nhiều máy móc,tài liệu bị mang đi. Luồng lạch cạn,có nhiều chướng ngại vật.

Nhiệm vụ khôi phục cảng Hải Phòng được gấp rút triển khai. Cảng thành lập lại đoàn bốc vác; tổ chức đi đo độ sâu luồng lạch khi chưa thể nạo vét,vớt chướng ngại vật; tìm đường đi cho tàu từ biển vào cảng,sửa chữa hệ thống đèn.

Để kịp đón hai tàu trọng tải 10.00 DWT và 7.000 DWT chở đồng bào bị cưỡng ép di cư đấu tranh đòi trở lại quê hương ngày 20/5/1955,hải đồ luồng dẫn vào cảng đã hoàn thành. "Kể từ đây,cảng Hải Phòng chính thức được đánh dấu trên bản đồ hàng hải thế giới là cảng biển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa",ông Nguyễn Văn Hóa,phụ trách hoa tiêu cảng Hải Phòng,viết trong hồi ký.

Cảng Hải Phòng năm 1955,thời điểm được đánh dấu trên bản đồ hàng hải thế giới là cảng biển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ảnh Tư liệu

Đến cuối năm 1955,kế hoạch khôi phục cảng hoàn thành,trên 3.000 công nhân thất nghiệp trước đó đã có việc làm. Cảng trở thành đầu mối đường biển duy nhất,lớn nhất cả nước tiếp nhận viện trợ của Liên Xô và khối Warszawa cho Việt Nam với gần 40 triệu tấn hàng,ông Trần Lưu Phương,Giám đốc cảng Hoàng Diệu (tên gọi khác của cảng Hải Phòng) cho biết.

Trong kháng chiến chống Mỹ,cảng Hoàng Diệu trở thành mục tiêu bắn phá,phong tỏa của đối phương. Từ năm 1965 đến 1972,máy bay Mỹ 300 lần ném bom cảng,trúng vào tàu của Ba La làm 4 thủy thủ hy sinh; thả hàng trăm ngư lôi phong tỏa luồng lạch. Hoàng Diệu trở thành quân cảng,vừa sản xuất,vừa chiến đấu. Tự vệ cảng được trang bị các loại pháo từ 12,7 ly đến 100 ly,tham gia 343 trận đánh,bắn rơi 4 máy bay.

Ông Nguyễn Đức Hòe,Giám đốc Cảng Hải Phòng thời kỳ 1965-1978,kể có một nghịch lý mà hợp lý trong thời chiến là thành phố tắt đèn,riêng cảng Hải Phòng vẫn sáng,chỉ khi có báo động mới tắt. Hầu hết xí nghiệp sơ tán,nhiều cơ quan đã dỡ cả nhà xưởng thì cảng lại xây thêm các bến 7,8 và 9 để nâng công suất. Đánh bại được âm mưu phong tỏa của đối phương,giữ vững sản xuất,cảng Hải Phòng được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1972,máy bay ném bom trúng tàu Ba Lan mang hàng tiếp tế vào cảng Hải Phòng khiến 4 thủy thủ hy sinh. Năm 2021,đại sứ Ba Lan là cháu của một trong bốn người đó đã đến thăm,đặt vòng hoa tại cảng. Ảnh tư liệu

Trở lại vị thế

Đất nước thống nhất,cảng Hải Phòng trở lại vị thế thương cảng lớn nhất miền Bắc. Giai đoạn từ 1975 đến 1986,90% hàng qua cảng tiếp tục đến từ Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Nổi bật là máy móc,linh kiện siêu trường siêu trọng để xây dựng nhà máy thủy điện,nhiệt điện,xi măng. Sản lượng hàng hóa lên đến 3,4 triệu tấn,vượt 10% so với công suất thiết kế. Giai đoạn này,Liên Xô cung cấp cho cảng nhiều cẩu trục Kirop mà đến nay vẫn đang sử dụng.

Đến năm 1990,do biến động lớn ở Liên Xô và Đông Âu,cảng Hải Phòng rơi vào giai đoạn khó khăn nhất lịch sử,buộc phải chuyển sang kinh doanh đa dạng,sắp xếp lại tổ chức,tìm kiếm khách hàng mới và triệt để tiết kiệm. Kế hoạch xếp dỡ một tàu container là 2 ngày được rút xuống còn 12-16 giờ.

Cùng với sự chuyển mình của đất nước,cảng Hải Phòng dần vượt qua giai đoạn này. Từ năm 1995 đến 1997,sản lượng bình quân hàng ngày đạt 11.000 tấn (trước đây chỉ 7.000 tấn). Cảng cũng đầu tư để nâng cấp,mở rộng kho bãi,mua sắm trang thiết bị mới. Năm 2000,những cần trục chân đế SOKOL hiện đại được đưa về nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cho đến nay,cảng Hoàng Diệu là một trong 5 cảng của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng và vẫn là đơn vị làm ăn có lãi. 6 tháng đầu năm nay,hơn 3,7 triệu tấn hàng thông qua cảng,tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023. Cảng Hoàng Diệu hiện nắm toàn bộ thị phần hàng sắt thép xuất khẩu và thị phần thiết bị xuất sang Bắc Mỹ,châu Âu,Úc. Thu nhập người lao động trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 24 triệu đồng/người/tháng,tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Hoàng Diệu hiện là càng nắm 100% thị phần hàng sắt thép xuất khẩu tại vùng nước và 100% thị phần thiết bị xuất sang Bắc Mỹ,Úc. Ảnh: Lê Tân

Kết thúc sứ mệnh lịch sử

Vài chục năm gần đây,Hải Phòng ngày càng phát triển,phát huy lợi thế biển với 52 bến cảng lớn. Cảng Hoàng Diệu dần lọt thỏm giữa vùng đô thị sầm uất. Để quy hoạch lại đô thị,từ cuối năm 2022,Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng nhận quyết định thu hồi diện tích đất khu cảng Hoàng Diệu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.

Ông Lưu Phương,Giám đốc cảng Hoàng Diệu,nói trước chủ trương lớn,cán bộ,người lao động ở Hoàng Diệu hoàn toàn đồng thuận,nhưng hy vọng thành phố giữ lại một số công trình kỷ niệm. Bởi sự hình thành,phát triển của cảng Hải Phòng chính là cốt nền hình thành đô thị Hải Phòng,đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng,bảo vệ và phát triển của thành phố cũng như đất nước.

Hình ảnh bến cảng,cần cẩu,còi tàu đã in đậm trong tâm trí các thế hệ người dân nơi đây. "Nhiều tỉnh thành đã có cảng quy mô lớn,nhưng chỉ Hải Phòng được gọi là thành phố cảng thôi. Biết Hoàng Diệu đã hết sứ mệnh lịch sử,chúng tôi rất bồi hồi",ông Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Tùng,Chủ tịch UBND TP Hải Phòng,nói Hoàng Diệu là cảng lâu đời nhất của Hải Phòng,cái nôi của giai cấp công nhân,giàu truyền thống cách mạng,khi di dời sẽ liên quan tới hàng nghìn lao động và nhiều máy móc thiết nên không tránh được khó khăn. Thành phố sẽ phân kỳ di chuyển cảng theo tiến độ thi công cầu Nguyễn Trãi và đưa ra phương án phù hợp nhất để bảo đảm sự phát triển của cảng và việc làm,đời sống cho người lao động.

Lê Tân

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
©bản quyền 2009-2020 Nền tảng thông tin giải trí chuyên nghiệp và toàn diện nhất    Liên lạc với chúng tôi SiteMap